Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3500 m2, bao gồm: Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân, ngôi nhà cụ Hoàng Đường, ngôi nhà nơi chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời.
Vị trí: Tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn.
Cách đi đến: Từ thành phố Vinh theo quốc lộ 46 đến km 13 (ngã ba Mậu Tài) rẽ trái đi khoảng 1km.
Cụm di tích Hoàng Trù |
Du khách sẽ tới một làng quê bình dị, nơi có mái nhà tranh đơn sơ mộc mạc nép mình dưới lũy tre làng, đó là làng Hoàng Trù - quê ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng là nơi Người cất tiếng khóc chào đời. Cụm di tích Hoàng Trù nằm gọn trong khuôn viên rộng khoảng 3.500m2.
Ngôi nhà thờ chi nhánh họ Hoàng Xuân
Cụ Hoàng Đường (ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh) là hậu duệ đời thứ 18 của dòng họ Hoàng Xuân đã dựng ngôi nhà thờ chi nhanh họ Hoàng Xuân để thờ cố nội, ông nội và thân phụ là Hoàng Cương. Cụ Hoàng Đường qua đời (1893), hiệu bụt của cụ do ông Nguyễn Sinh Sắc viết cũng được bài trí thờ ở đây. Ngôi nhà được hoàn thành vào năm 1881 theo kiểu tứ trụ bằng gỗ lim gồm 3 gian, có cửa bàn khoa song tiện. Lúc đầu lợp tranh, mãi đến năm 1930 mới được tu sửa và lợp ngói như hiện nay. Những năm tháng tuổi thơ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống ở đây. Người thường theo cha dâng hương hoa, lễ vật lên thờ cúng anh linh tiên tổ.
Theo tộc phả để lại, dòng họ Hoàng Xuân là một dòng họ có truyền thống hiếu học, con cháu nhiều người có nghĩa khí và có công lao với đất nước.
Năm 1927, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê, dựng nên nhà Mạc. Con cháu dòng họ này đã phù Lê, diệt Mạc. Thế hệ thứ 6 của dòng họ có người tên là Hoàng Nghĩa Kiều (1540-1587) được vua Lê phong Thái Bảo Hồng quốc công. Đây là ông tổ xa xưa nhất của họ Hoàng ở làng Hoàng Trù.
Ngôi nhà cụ Hoàng Đường
Cụ Hoàng Đường là ông ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà của cụ gồm có 5 gian và hai chái, trong đó ba gian ngoài thông với nhà thờ rất thoáng mát. Bộ phản kê ở gian thứ nhất là nơi cụ Đường dạy học. Gian thứ hai có bộ tràng kỷ bằng tre, chiếc án thư với những dụng cụ dạy học như bút lông, nghiên mực... Gian thứ ba có bộ phản dùng làm nơi nghỉ ngơi của thày và trò. Hai gian còn lại là nơi nghỉ ngơi của cụ bà và là nơi sinh hoạt của gia đình.
Cuối năm 1883 ông bà Hoàng Đường tổ chức lễ thành hôn cho hai con là Hoàng Thị Loan (thân mẫu của Hồ Chủ tịch) và Nguyễn Sinh Sắc (thân phụ của Chủ tịch Hồ Chí Minh) tại ngôi nhà gỗ 5 gian này. Ông bà đã dựng ngôi nhà tranh ba gian đầu góc vườn phía tây để cho đôi vợ chồng trẻ ở riêng.
Ngôi nhà tại làng Hoàng Trù là nơi bà Hoàng Thị Loan sinh ra và lớn lên, là lớp học đầu tiên ươm trồng tài năng của ông Nguyễn Sinh Sắc. Đây cũng là nơi ghi dấu những kỷ niệm êm đẹp trong tuổi ấu thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngôi nhà chủ tịch Hồ Chí Minh ra đời
Ngôi nhà tranh 3 gian nằm ở góc vườn phía tây nhà ông bà Hoàng Đường là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh cất tiếng khóc chào đời và sống ở đây cho tới năm lên 3 tuổi. Gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Tại gian nhà này cụ Hoàng Đường thường qua đây trao đổi với ông Sắc về văn chương, chữ nghĩa.
Gian giữa sát phên có chiếc giường nhỏ bằng gỗ xoan, liếp nứa, trải chiếu mộc, chiếc màn bằng vải nhuộm nâu là nơi nghỉ của ông Sắc và bà Loan. Sát bên chiếc giường là chiếc rương gỗ nhỏ dùng đựng lương thực và các vật quí của gia đình.
Chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba là công cụ lao động của bà Loan dùng để dệt vải, dệt lụa nuôi sống cả gia đình. Bà Hoàng Thị Loan vừa dệt vải vừa hát ru con để chồng yên tâm việc bút nghiên. Tại đây còn có chiếc võng gai đơn sơ, nơi xưa kia Bác Hồ đã từng nằm ngủ.
Tuổi thơ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được mẹ chăm sóc, vun đắp bằng những làn điệu dân ca bay bổng chứa đựng những ước mơ cao đẹp, hy vọng sâu xa.
0 nhận xét: