Đình Liên Trì thuộc xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, nằm cạnh đường quốc lộ 38 khoảng 2km, cách thành phố Vinh 60km về hướng Tây Nam .
Đình liên trì |
Đình Liên Trì được khởi dựng vào năm 1801, dưới Triều Tây Sơn. Vị Thành Hoàng Làng được thờ ở đây là Lý Nhật Quang - con trai vua Lý Thái Tổ. Lý Nhật Quang được vua Lý giao trấn thủ đất Nghệ An. Là một người giỏi về chính trị, am hiểu về kinh tế, luôn vỗ về dân nên được nhân dân mến phục. Khi Lý Nhật Quang được triệu về triều, nhân dân nhiều nơi ở Nghệ An lập đền thờ, tôn ông làm Thành Hoàng . Ông được các triều đại kế tiếp sắc phong là “ Thượng Thượng đẳng Thần”
Xã Liên Thành, một địa phương văn vật có tiếng bậc nhất trong vùng. Hiện có 2 văn chữ Hán còn giữ ở đình cho ta thấy rõ điều khẳng định đó với 30 người đậu khoa bảng và 82 người có chức sắc về võ.
Trong phong trào Cần Vương 1885-1895, Liên Trì trở thành nơi luyện tập và ăn nghỉ của nghĩa quân Nguyễn Xuân Ôn.
Cây gạo trước cổng đình liên trì |
Tháng 10/1930 dưới sự lãnh đạo của chi bộ Đảng tổng Vân Tụ, một cuộc họp thành lập tổ chức Nông hội đỏ của Tổng tại Đình Liên Trì được tiến hành. Sau cuộc họp này, các Ban chấp hành Xã bộ nông, Thôn bộ nông trong tổng Vân Tụ lần lượt ra đời. Theo sự chỉ đạo của Tổng ủy, đồng chí Nguyễn Đàm được cử làm vừa bí thư chi bộ đảng kiêm bí thư Nông hội đỏ địa phương. Bên cạnh việc xây dựng Nông hội, Chi bộ còn quan tâm xây dựng lực lượng Tự vệ đỏ với 78 người. Trong thời gian này từ Chi bộ Đảng, Nông hội đỏ đến Tự vệ đỏ đều lấy khu vực đình vốn rộng rãi lại đảm bảo bí mật làm nơi hội họp, sinh hoạt, luyện tập.
Dưói sự lãnh đạo của Đảng một cuộc biểu tình của nông dân toàn huyện diễn ra mạnh mẽ, nhân dịp kỷ niệm cách mạng Tháng Mười Nga (7/11/1930).Đình Liên Trì là nơi treo cờ tập trung nhân dân trong vùng Tây Nam huyện Yên Thành.
Theo kế hoạch phân công, tối ngày 6/11/1930, đồng chí Nguyễn Doãn Khoa cắm cờ đỏ búa liềm lên cây gạo phía Đông của làng. Đồng chí Nguyễn Xuân Hiên cắm lá cờ lên cây đa cổ thụ trước đình. Sáng sớm ngày 7/11/1930 tiếng trống đình vang lên dõng dạc từng hồi như thúc dục, động viên đoàn biểu tình tiến bước. Trước khí thế sục sôi cách mạng của quần chúng, bọn ngũ hương của làng xã hoảng sợ gần như bị tê liệt. Thôn bộ nông, Xã bộ nông ở Liên Thành đứng ra quản lý xã thôn, thu tiền bọn hương hào, phú hộ đem chia cho dân nghèo, một phần tiền cho tự vệ luyện tập.
Khi phong trào 1930-1931 bị đàn áp đẫm máu, hầu hết cán bộ đảng viên ở Liên Trì đều bị bắt giam. Đến tháng 11/1934 đồng chí Nguyễn Xuân Hiên được đồng chí Ngô Tuân và Võ Nguyên Hiến giao nhiệm vụ khôi phục Đảng bộ huyện Yên Thành. Từ đây đình Liên Trì trở thành địa điểm hoạt động khôi phục tổ chức Đảng và phong trào của xã, tổng và huyện.
Tháng 12/1936 đồng chí Lê Đình Vĩ thay mặt tỉnh ủy Nghệ An triệu tập Hội nghị thành lập Ban chấp hành Lâm thời Đảng bộ huyện Yên Thành tại Đình Liên Trì. Trên cơ sở phong trào địa phương phát triển mạnh, đồng thời để có điều kiện chỉ đạo phong trào Bắc Nghệ An và Nam Thanh Hóa. Xứ ủy Trung kỳ quyết định chuyển cơ quan về làng Liên Trì. Các cuộc hội họp, hội nghị quan trọng của Tỉnh, của Xứ ủy đều được tiến hành tại đình. Ban ấn loát của Tỉnh ủy và Xứ ủy đã cho in ấn tại đình 3 số báo “Cởi Ách” (16-17-18) cùng với báo “Chặt Xiềng” và nhiều tài liệu tuyên truyền khác. Nhờ sự che chở và đùm bọc của nhân dân nên trong điều kiện kẻ thù lùng sục gắt gao, nhưng cơ quan Xứ ủy, Tỉnh ủy đóng ở đình vẫn được đảm bảo an toàn 6-7 tháng.
Đình tọa lạc trên một khu đất rộng và cao của làng Liên Trì, có diện tích tổng thể 1.568m2. Bao quanh làng và đình là dòng sông Chèng. Đi vào đình ta phải qua hai cột nanh cao 5m, trên cùng đắp nổi hai đóa sen, mặt tiền hai cột nanh có hai câu đối bằng chữ Hán.
Giữa sân đình là một cây đa cổ thụ có tuổi thọ hàng trăm năm càng tôn cao vẻ uy nghi cổ kính của đình. Đình có kiến trúc tổng thể theo kiểu chữ Tam, Đình có ba nhà chủ yếu: Hạ điện, Trung điện và Thượng điện. Hạ điện là ngôi nhà lớn nhất, đồ sộ nhất với 5 gian, 2 hồi văn, trên đỉnh nóc đắp nổi hình lưỡng long chầu nguyệt. Hạ điện có chiều cao từ đình xuống mặt nền là 7,6m, chiều dài tòa nhà 21,3m, chiều rộng 9,8m, có 29 cột gỗ lim, cột lớn cao 5,2m, đường kính 0,43m. Đây là nơi hội họp của hội văn hội võ, của ngũ hương hào lý… Nhà này có hai di vật có giá trị về văn hóa và lịch sử, đó là hai tấm bia lớn có chạm trổ tinh vi. Trung điện có 3 gian, 2 hồi, có kiến trúc theo kiểu rường kiệu, nội thất có 8 long đao, gươm dài, 8 mã đao, 2 trống, 1 trống cực lớn đường kính 1,2m dùng đánh vào những ngày lễ trọng đại. Ngoài ra còn có một chiêng lớn bằng đồng, đó vừa là nhạc khí, vừa là vật thiêng của đình. Thượng điện gồm 1 gian 2 hồi văn, có 8 cột, gian giữa để long ngai, bài vị sơn son thiếp vàng, các lễ hội họp chính được tổ chức ở đình.
Hàng năm cứ đến ngày 4/1 (âm lịch) chính quyền đứng ra tổ chức lễ hội Đại kỳ phúc.
Trong một năm tiến hành 2 lễ Kỳ yên vào ngày 15/3 và 15/8 (âm lịch). Cứ ba năm một lần làng Liên Trì tổ chức rước cầu thần và thành hoàng của làng như: Tam tòa, Cao sơn cao các (tức thần sông núi) …ra đồng, mong các vị thần bảo vệ mùa màng tươi tốt. Đồng thời qua những lễ hội nhằm giáo dục truyền thống đối với đông đảo quần chúng địa phương, góp phần làm phong phú thêm di tích đình Liên Trì. Với những đóng góp của địa phương và đình Liên Trì trong quá trình cách mạng 1930-1945, tháng 10/1994, Bộ Văn hóa Thông Tin đã có Quyết định công nhận đình Liên Trì là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.
0 nhận xét: